Nguyễn Phú Trọng ở đâu khi Tô Lâm lên ghế chủ tịch nước?

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, không có mặt mấy ngày qua khi khóa họp Quốc Hội bắt đầu và “bầu” hai ghế trong “tứ trụ.”

Đây là một trong những chỉ dấu bất thường trong chính trị cung đình CSVN đang diễn ra ở Hà Nội. Ông Trọng là tổng bí thư đảng tức người cầm chịch mọi màn kịch chính trị của cái xứ “dân chủ đến thế là cùng” này, nhưng lại không có mặt.

Ông Tô Lâm tuyên thệ nhận ghế chủ tịch nước, không có mặt ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN. (Hình: Nhac Nguyen/AFP/Getty Images)

Theo thông lệ, trước khi bắt đầu mỗi khóa họp Quốc Hội, tất cả chóp bu đảng và nhà nước cũng đều là “đại biểu nhân dân” đều đến trình diện ở lăng Hồ Chính Minh. Sau khi bị đột quỵ, đi đứng khó khăn từ năm năm trước, ông Nguyễn Phú Trọng đã không đến lăng ông Hồ đã đành. Nhưng khai mạc Quốc Hội tuy chỉ là bù nhìn, ông Trọng thường phải có mặt khi có sự kiện đặc biệt quan trọng.

Ngày 20 Tháng Năm, Quốc Hội thông qua thủ tục đưa ông Trần Thanh Mẫn lên ghế chủ tịch Quốc Hội thay ông Vương Đình Huệ. Ông Huệ đã bất đắc dĩ “xin thôi chức” ngày 26 Tháng Tư và cả ghế tại Bộ Chính Trị, dù guồng máy thông tin tuyên truyền của chế độ đều giữ im lặng, thiên hạ đều biết ông ta đã bị đồng đảng “chiếu bí” nên đành cuốn gói ra đi.

Từ ngày đầu họp Quốc Hội kể trên, người ta chỉ thấy ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, là nhân vật số 2 trong “tứ trụ” và mấy người vai vế thấp hơn trong đảng và Quốc Hội đứng lên tặng hoa và chúc mừng ông Trần Thanh Mẫn “được tín nhiệm” làm chủ tịch Quốc Hội, nhân vật số 4 trong “tứ trụ.” Không có mặt ông Nguyễn Phú Trọng trong sự kiện quan trọng này dù ông ta cũng là “đại biểu nhân dân” cộm cán mà cũng là kẻ cầm đầu chế độ.

Ngày Thứ Tư, 22 Tháng Năm, Quốc Hội “bầu” ông Tô Lâm, đại tướng công an, làm chủ tịch nước, thay thế ông Võ Văn Thưởng, người cũng đã “xin thôi chức” chủ tịch nước và cũng bỏ luôn cái ghế tại Bộ Chính Trị. Người ta cũng không thấy mặt ông Nguyễn Phú Trọng đâu cả. Ông Tô Lâm thề thốt rồi nhận bó hoa, lắp bắp đọc bài phát biểu nhậm chức như chưa thuộc bài.

Video clip ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức được phổ biến kèm theo bản tin chính thức thấy mặt ông Nguyễn Xuân Phúc, cựu chủ tịch nước “thôi chức” đầu năm 2023, mà không thấy ông Võ Văn Thưởng, cựu chủ tịch nước “xin thôi chức” mới hai tháng trước. Ông Nông Đức Mạnh, cựu tổng bí thư, thấy mặt cả mấy ngày này trong khi ông đương kim tổng bí thư lại vắng.

Lãnh đạo đảng, nhà nước CSVN tặng hoa chúc mừng ông Tô Lâm (giữa) được “bầu” làm chủ tịch nước mà không thấy mặt ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN. (Hình: VietNamNet)

Tuần trước, cuộc họp Trung Ương Đảng để chia hai ghế chủ tịch nước và chủ tịch Quốc Hội cho ông Tô Lâm và ông Trần Thanh Mẫn, tấm hình phổ biến trên truyền thông của chế độ vẫn thấy mặt ông Nguyễn Phú Trọng.

Sự vắng mặt ở các sự kiện quan trọng hàng đầu của chế độ dẫn đến nhiều đồn đoán. Sức khỏe ông Trọng tồi tệ đến mức không đến tham dự được, hay vì lý do gì khác, không thể kiểm chứng.

Khi đưa ông Võ Văn Thưởng lên ghế chủ tịch nước ngày 2 Tháng Ba, 2023, người ta thấy ông Trọng vui vẻ vỗ tay chúc mừng cùng với mấy tay chóp bu tại kỳ họp bất thường của Quốc Hội.

Theo dõi những diễn biến cung đình dồn dập hơn một năm qua tại Việt Nam, giới phân tích thời sự quốc tế cho rằng Tướng Tô Lâm hạ độc thủ, dọn đường cho quang đãng để mình chiếm ghế tổng bí thư khi ông Nguyễn Phú Trọng đã ngồi lỳ lại tới nhiệm kỳ thứ ba. Đã vậy, sức khỏe ông ta càng ngày càng tồi tệ ở tuổi 80 và từng bị đột quỵ.

Ông Nguyễn Phú Trọng (thứ tư từ trái) và các lãnh tụ chóp bu đảng CSVN chúc mừng ông Võ Văn Thưởng (thứ ba từ trái) lên ghế chủ tịch nước ngày 2 Tháng Ba, 2023. (Hình: VGP)

Một ngày sau ngày đầu họp Quốc Hội, trang mạng của nhà cầm quyền Việt Nam phổ biến “Quy định 144-QĐ-TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.” Mục đích là “kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa.’”

Những cái gọi là “quy định” đó chỉ được các phe cánh sử dụng để hạ nhau, đạp lên nhau. Còn những kẻ bị “thôi chức” bất đắc dĩ, hoặc bị bỏ tù vì tham nhũng chỉ là những “đồng chí bị lộ.”

(NTB)

Bài này đã được đăng trong Bình luận. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.