Gián điệp Trung Cộng: Vừa ăn cướp vừa la làng

Việc cài cắm gián điệp dưới nhiều lớp vỏ bọc khác nhau của Trung Quốc không là chuyện mới nhưng ngày càng có nhiều vụ việc phức tạp với những tình tiết khôn lường. Trong khi liên tục lu loa rằng điệp viên phương Tây có mặt ở khắp Trung Quốc, Bắc Kinh lại tung gián điệp ra toàn cầu.

Ngày 1 Tháng Bảy 2015, Luật An Ninh Quốc Gia của Trung Quốc được thông qua tại cuộc họp lần thứ 15 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội khóa 12, qua đó, ngày 15 Tháng Tư hàng năm được chỉ định là Ngày Giáo Dục An Ninh Quốc Gia, nhằm “nâng cao nhận thức của người dân về an ninh quốc gia, tạo không khí tích cực bảo vệ an ninh quốc gia, nâng cao năng lực phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ, nâng cao hiểu biết sâu sắc của công chúng về Hiến Pháp, Luật Cơ Bản và An Ninh Quốc Gia, và bồi dưỡng ý thức bản sắc dân tộc.”

Gián điệp kỹ nghệ, đặc biệt là các hacker Trung Quốc, có nhiều hoạt động trên lãnh thổ Hoa Kỳ. (Hình minh họa: PHILIPPE LOPEZ/AFP via Getty Images)

Trong đoạn video đánh dấu Ngày Giáo Dục An Ninh Quốc Gia vào Tháng Tư 2024, Bộ Nội An Trung Quốc (MSS) đã đưa ra một thông điệp rõ ràng: Gián điệp nước ngoài có mặt ở khắp mọi nơi, từ một nhiếp ảnh gia thời trang đường phố, một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, một doanh nhân đến tài xế giao đồ ăn – tất cả đều có thể là gián điệp.

“Trong biển người, có thể bạn chưa bao giờ để ý đến hắn. Danh tính hắn có thể thay đổi và rất khó tìm ra tung tích của hắn,” giọng nói trong video lên tiếng. “Chúng ở khắp mọi nơi, xảo quyệt… và lén lút… Chúng có thể cải trang thành bất kỳ ai. Nhưng giữa đám đông, bạn và tôi cùng nhau bảo vệ an ninh quốc gia. 1.4 tỷ người chúng ta là 1.4 tỷ tuyến phòng thủ.”

Dưới thời Tập Cận Bình, Bộ Nội An (MSS) đã hoạt động hết công suất. Từ một tổ chức ẩn mặt, MSS bây giờ hiện diện công khai. Tại các thành phố, áp phích và khẩu hiệu cổ vũ an ninh quốc gia hiện là hình ảnh phổ biến – trên vỉa hè, tàu điện ngầm, khuôn viên trường và bảng quảng cáo…

MSS ra đời từ việc đánh giá lại nhu cầu an ninh quốc gia vào đầu những năm 1980. Cơ quan hắc ám này được thành lập vào năm 1983 sau khi sáp nhập một cục tình báo thuộc Đảng Cộng Sản và một đơn vị phản gián trong lực lượng cảnh sát. Có thể xem là một phiên bản kết hợp giữa CIA và FBI của Mỹ, MSS giám sát hoạt động tình báo và phản gián ở Trung Quốc lẫn nước ngoài, với các chi nhánh cấp tỉnh và thành phố trải rộng khắp nước.

Trong một thời gian dài, MSS hoạt động dưới một bức màn bí mật. Nó không có trang web chính thức hoặc bất kỳ địa chỉ liên hệ hay người phát ngôn nào. Tuy nhiên, MSS dần bước ra khỏi bóng tối khi Tập Cận Bình coi an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu.

Năm 2015, MSS công bố điểm liên lạc công khai đầu tiên bằng cách thiết lập đường dây nóng và trang web để khuyến khích người dân báo cáo bất kỳ mối đe dọa đáng ngờ nào đối với an ninh quốc gia. Và vào năm 2020, MSS bắt đầu tung ra chiến dịch tuyên truyền. Động thái quyết liệt nhất diễn ra vào Tháng Tám, 2023 khi cơ quan này ra mắt mạng xã hội, với tài khoản chính thức trên WeChat. Và ngày 7 Tháng Giêng, 2024, MSS tung ra bộ truyện tranh có tên “Đội Điều Tra Đặc Biệt Thần Ẩn,” kể về năm sĩ quan tình báo mật chuyên săn lùng bọn điệp viên nước ngoài…

Tuy nhiên, cùng lúc, chính Trung Quốc mới là nơi đang tung gián điệp ra khắp thế giới “muôn hình muôn trạng.”

Mới đây, tờ Wall Street Journal ngày 16 Tháng Năm, 2024 cho biết Ngũ Giác Đài đang tình nghi một khách sạn cổ trên dãy Alps ở Thụy Sĩ được một gia đình Trung Quốc mua có thể là trạm do thám của Bắc Kinh do nằm gần đường băng của máy bay phản lực F-35. Wall Street Journal cho biết, khách sạn Rossli ở Unterbach đẹp như tranh vẽ đã được gia đình Wang mua với giá gần $1 triệu vào năm 2018.

Nằm trong một thung lũng Thụy Sĩ, khách sạn nhìn ra những thác nước tuyệt đẹp nhưng chỉ phía sau nó 100 mét là một đường băng chuyên dụng dành cho F-35, máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới.

Những nghi ngờ ngày càng gia tăng cuối cùng đã dẫn đến việc bắt Wang Jin, cô vợ Lin Jing và con trai Wang Dawei, 27 tuổi. Dĩ nhiên, tất cả đều phủ nhận việc làm gián điệp. Họ bị phạt $5,400 vì vi phạm luật khách sạn của Thụy Sĩ. Wang Jin để lại chìa khóa cho một người dân làng, nói rằng hắn trở lại Trung Quốc một thời gian. Tuy nhiên, gia đình Wang biến mất không dấu vết. Khách sạn bị đóng cửa và kể từ đó được quân đội Thụy Sĩ mua lại với giá khoảng $1.8 triệu.

Mỹ là nơi gián điệp Trung Quốc hoạt động nhộn nhịp nhất. Trong một thập niên qua, không biết bao nhiêu gián điệp Trung Quốc đã sa lưới nhưng dường như chưa bao giờ chúng ngưng hoạt động.

Có thể nhắc lại vài vụ. Ngày 4 Tháng Mười Hai, 2020, Giáo Sư Mao Ba (毛波, Bo Mao) đã chính thức bị cáo buộc tội đánh cắp công nghệ Mỹ cho tập đoàn Huawei Technologies Co, kết thúc một chương trong cuộc điều tra của Bộ Tư Pháp đối với công ty khổng lồ Huawei lẫn các hành động bất hợp pháp của một số nhà nghiên cứu ở Mỹ dính dáng Trung Quốc.

Mao Ba là phó giáo sư Đại Học Hạ Môn ở Phúc Kiến, và cũng làm việc trong khoa Khoa Học Máy Tính tại Đại Học Texas-Arlington từ năm 2018. Tháng Mười Hai, 2016, Mao liên hệ với “công ty nạn nhân” (từ sử dụng trong cáo trạng) để có được một bo mạch cho phép kiểm tra ổ cứng thể rắn (solid-state drive-SSD). Công nghệ này giúp các trung tâm dữ liệu khổng lồ có thể quản lý khối lượng thông tin ngày càng tăng từ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, lẫn các ứng dụng tiên tiến khác. Mao bị bắt ngày 14 Tháng Tám, 2020.

Vụ Mao Ba chỉ là một phần rất nhỏ trong hiện tượng ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc làm việc tại Mỹ hoặc thậm chí nhà nghiên cứu Mỹ bị Trung Quốc mua chuộc đang bùng nổ.

Tháng Giêng, 2020, Charles Lieber, nhà tiên phong của Đại Học Harvard trong lĩnh vực công nghệ nano, đã bị buộc tội nói dối với các nhà điều tra khi được hỏi về hơn $1.5 triệu mà ông nhận được với bàn tay Trung Quốc phía sau. Cùng ngày, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ công bố cáo trạng liên quan một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại Học Boston, tội không tiết lộ bà ta là trung úy quân đội Trung Quốc.

Tháng Sáu, 2020, Wang Xin, nhà nghiên cứu y sinh Trung Quốc, khách mời của Đại Học California-San Francisco (UCSF), bị Hải Quan Phi Trường Quốc Tế Los Angeles thẩm vấn khi chuẩn bị bắt chuyến bay cùng vợ và con về Thiên Tân. Theo hồ sơ tòa, Wang thừa nhận mình mang cấp bậc tương đương thiếu tá quân đội Trung Quốc và rằng ông khai gian khi xin thị thực về chuyện mình đã ra khỏi quân đội Trung Quốc vào năm 2016…

Tất nhiên không chỉ ở Mỹ, gián điệp Trung Quốc đang nhan nhản ở Đức, Pháp, Anh… Mới đây, ngày 13, Tháng Năm, cảnh sát Anh đã buộc tội ba người, trong đó có một cựu Thủy Quân Lục Chiến Hoàng gia, tội hỗ trợ cơ quan tình báo Hong Kong – trên thực tế, do Bắc Kinh kiểm soát. Những người này bị buộc tội theo Đạo Luật An Ninh Quốc Gia (được thông qua vào Tháng Bảy, 2023 nhằm trao cho cảnh sát Anh quyền điều tra các hoạt động mật của Trung Quốc).

Trước đó, hồi Tháng Ba, chính phủ Anh đã cáo buộc tin tặc Trung Quốc nhắm vào Ủy Ban Bầu Cử Anh và email của các nghị sĩ Anh thường xuyên chỉ trích Trung Quốc.

Trong một phát biểu vào Tháng Mười, Ken McCallum, tổng giám đốc Cơ Quan Tình Báo Anh MI5, nói rằng 20,000 người Anh – gấp đôi so với hai năm rưỡi trước đó – đã bị gián điệp Trung Quốc tiếp cận trên LinkedIn và nhiều trang mạng khác, nhằm khai thác bí mật công nghệ trong những lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và sinh học tổng hợp. Ken McCallum ước tính có 10,000 doanh nghiệp gặp rủi ro.

Điều đáng chú ý là không chỉ dùng nguồn nhân sự riêng để cài cắm rình mò, Trung Quốc còn tuyển dụng người địa phương để làm “nằm vùng” cho họ. Tại Đức, ba công dân nước này đã bị bắt vào tháng trước với cáo buộc chuyển thông tin công nghệ nhạy cảm cho Trung Quốc, trong khi trong một trường hợp khác, một người tên Jian G, làm việc cho một thành viên cực hữu của Đức trong Quốc Hội Châu Âu, đã bị bắt vì nghi ngờ hoạt động gián điệp.

Ở Bỉ, nhà chức trách đã mở cuộc điều tra hình sự đối với chính trị gia cực hữu Frank Creyelman vào Tháng Giêng, sau cuộc điều tra của ba tờ báo Financial Times, Der Spiegel và Le Monde cáo buộc ông này được gián điệp Trung Quốc tuyển dụng và cung cấp thông tin cho Bắc Kinh suốt nhiều năm.

Trúc Phương/Người Việt

Bài này đã được đăng trong Bình luận. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.