Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

Chúa Giêsu nói: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.” (Mt 11:11) Hằng năm, vào ngày 24 tháng 6, Giáo hội Công giáo tôn vinh sự ra đời của Thánh Gioan bằng cách suy ngẫm về vai trò độc nhất của ngài là người đến trước của Chúa Giêsu. Lễ trọng này ca ngợi Thánh Gioan là tấm gương xứng đáng về ý nghĩa của việc trở thành môn đệ của Chúa Kitô.

Lễ trọng là ngày lễ quan trọng nhất mà Giáo Hội thiết lập. Trong khi các vị thánh khác được tưởng nhớ bằng những ngày lễ tưởng nhớ cái chết của các ngài thì Thánh Gioan Tẩy Giả, giống như Đức Mẹ, được tôn kính với những ngày long trọng để tưởng nhớ cả ngày sinh và ngày chết của ngài.

Tại sao Thánh Gioan và Đức Mẹ nhận được vinh dự như vậy? Giáo Hội mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ như thừa nhận rằng Mẹ sinh ra vô tội. Còn Thánh Gioan thì sao? Với lễ sinh nhật của ngôn sứ này, Giáo Hội dường như nói rằng Thánh Gioan cũng sinh ra vô tội, mặc dù không có giáo huấn dứt khoát nào về vấn đề này.

Trong trình thuật Tin Mừng Luca, Đức Mẹ đang mang thai Chúa Giêsu và đến thăm người chị họ Êlidabét cũng đang mang thai Thánh Gioan được sáu tháng. Trước lời chào của Đức Maria, bà Êlidabét “được tràn đầy Thánh Thần” (Lc 1:41) và đứa con chưa chào đời của bà “đã nhảy mừng” (Lc 1:44) trong bụng bà. Cả mẹ và con đều phản ứng trước thực tế tuyệt vời khi được ở trước sự hiện diện của Chúa bằng xương bằng thịt.

Sự kiện này dường như ứng nghiệm lời tiên tri đã được sứ thần Gabriel nói với người cha của Gioan trước đó rằng Hài nhi sẽ “được tràn đầy Thánh Thần ngay từ trong lòng mẹ.” (Lc 1:15) Quả thật, niềm tin đã được phổ biến từ thời cổ đại rằng vào thời điểm đó Thánh Gioan đã được thánh hóa – nghĩa là đã được tẩy sạch tội nguyên tổ, như thể Gioan đã được “rửa tội” trong bụng mẹ vậy.

Lưu ý rằng điều này có nghĩa là Thánh Gioan đã được giải thoát khỏi tội nguyên tổ trong bụng mẹ, và sau đó được sinh ra vô tội, nhưng không phải là Thánh Gioan được thụ thai mà vô tội. Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một đặc ân duy nhất của Đức Mẹ giữa các thánh, Đức Mẹ đã được bảo vệ khỏi tội nguyên tổ ngay từ giây phút đầu tiên hiện hữu.

Dĩ nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa Thánh Gioan và Đức Mẹ là Mẹ cũng thực sự được bảo vệ khỏi mọi tội lỗi suốt đời, trong khi Thánh Gioan thì không. Vì vậy, vào lễ sinh nhật Gioan Tẩy Giả, chúng ta tôn vinh ngài là người được tràn đầy Chúa Thánh Thần khi còn trong lòng mẹ, được Thiên Chúa chọn để loan báo Con Chúa, sống một đời thánh thiện gương mẫu và tử đạo vì đức tin.

SINH NHẬT

Mặc dù không bao giờ làm lu mờ Chúa Cha hay Chúa Con, nhưng các mầu nhiệm về sự ra đời của Thánh Gioan và vai trò nổi bật của ngài trong cuộc đời của Chúa Kitô được Giáo Hội coi trọng đặc biệt.

Thông thường, khi lễ kính hoặc lễ trọng của một vị thánh rơi vào Chúa Nhật thì phụng vụ Chúa Nhật được thay thế. Nhưng lễ trọng mừng sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả là một trong những trường hợp ngoại lệ. Nếu lễ rơi vào Chúa Nhật, các lời cầu nguyện, bài đọc và Thánh Vịnh liên quan lễ Thánh Gioan Tẩy Giả không được thay thế bằng một phụng vụ Chúa Nhật khác.

Thánh Gioan đã chết như một vị tử đạo, đã làm chứng cho sự thật về ý định của Thiên Chúa rằng hôn nhân phải là một cam kết trọn đời giữa một người nam và một người nữ. Cuộc tử đạo đó được Giáo Hội cử hành với lễ tưởng niệm vào ngày 29 tháng 8. Tuy nhiên, ngay cả khi Thánh Gioan không phải là vị tử đạo, chắc chắn Giáo Hội vẫn cử hành cuộc đời và sứ vụ của ngài với tư cách là người loan báo Chúa của ngài.

Lễ trọng Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả là một trong những lễ kỷ niệm lâu đời nhất của Giáo Hội được đưa vào cả phụng vụ Đông phương (Hy Lạp) và Tây phương (Latinh) để tôn vinh một vị thánh. Lễ này đã được cử hành công khai ngay từ thế kỷ IV.

CHỌN NGÀY

Ngày 24 tháng 6 cuối cùng đã được chọn làm ngày cử hành lễ trọng vì Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Gioan được thụ thai trước Chúa Giêsu sáu tháng. (x. Lc 1:36) Khi đó Gioan sinh ra trước Chúa Kitô khoảng sáu tháng, và lễ giáng sinh Chúa Kitô được cử hành vào đêm 24 tháng 12.

Còn một yếu tố quan trọng khác trong việc ấn định ngày sinh của Thánh Gioan. Nhiều thế kỷ trước thời Chúa Kitô, một số nền văn hóa ngoại giáo hằng năm tổ chức ngày hạ chí – ngày dài nhất trong năm, diễn ra vào cuối Tháng Sáu. Họ nhận ra rằng sau ngày hạ chí, ngày bắt đầu ngắn lại. Vì nhiều lý do, theo truyền thống họ thừa nhận sự thay đổi của các mùa bằng cách đốt những đống lửa cháy suốt đêm.

Việc đốt lửa này là một nghi lễ phổ biến giữa các nhóm người không theo Kitô giáo khác nhau di cư vào Âu châu trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội. Giáo Hội thừa nhận tầm quan trọng của việc này bằng cách nào đó chấp nhận truyền thống cổ xưa và rất phổ biến này trong số những người mà họ đang tìm cách cải đạo, nhưng Giáo Hội không muốn nó gắn liền với một nghi lễ ngoại giáo.

Các sự kiện trong cuộc đời Chúa Kitô không có mối liên hệ rõ ràng với lễ hội giữa mùa hè này, vì vậy các nhà lãnh đạo Giáo Hội thời kỳ đầu đã chuyển sang cuộc đời Thánh Gioan Tẩy Giả. Vì ngày sinh của Chúa Kitô được tổ chức ngày đông chí vào cuối tháng 12, nên ngày sinh của Thánh Gioan Tẩy Giả được tổ chức vào ngày hạ chí.

Điều đó đã và đang hoàn toàn phù hợp: Sinh nhật Thánh Gioan báo trước sự giáng sinh của Chúa Giêsu. Lễ sinh nhật Thánh Gioan được chính thức thiết lập tại Công Đồng Giáo Hội Agde năm 506. Từ đó trở đi, người Công giáo cử hành lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả vào ngày 24 tháng 6.

Để biết lễ kỷ niệm này từng được đánh giá cao như thế nào, hãy xem xét hoàn cảnh xung quanh Trận Fontenay năm 841, nơi mà ngày nay là Pháp quốc. Hai đội quân Frank đối đầu nhau, mặt đối mặt ngày 23 tháng 6, không muốn mạo hiểm chiến đấu vào ngày lễ Thánh Gioan. Vì vậy họ đồng ý hưu chiến cho đến ngày hôm sau.

MỪNG LỄ

Ngày nay, phong tục đốt lửa lâu đời vào đêm trước ngày Thánh Gioan có thể được nhìn thấy ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Âu châu. Bằng cách này, họ thừa nhận Thánh Gioan và việc ngài loan báo Chúa Giêsu, Đấng là “ánh sáng thế gian.” (Ga 8:12) Những đám lửa này có nguồn gốc từ một nghi lễ ngoại giáo không làm mất đi niềm vinh dự mà hầu hết những người tham gia ngày nay dành cho ngôn sứ Gioan Tẩy Giả.

Các cuộc diễu hành và lễ hội thường được tổ chức bên cạnh việc đốt lửa, kéo dài cho đến rạng sáng. Những người theo Kitô giáo ở một số quốc gia té nước vào nhau hoặc đi bơi vào lúc nửa đêm để tưởng nhớ lễ rửa tội của họ, tất cả đều nhằm tôn vinh Thánh Gioan Tẩy Giả.

Ở các nơi khác, vị chủ tế đặt cành cây linh sam trong nhà của họ, nhớ lại thời gian Gioan ở trong hoang địa chuẩn bị giới thiệu Chúa Kitô. Các nghi lễ của nhà thờ thường bao gồm việc ăn chay và cầu nguyện vào đêm hôm trước. Ở một số quốc gia, ngày này là ngày lễ buộc.

GƯƠNG THÁNH THIỆN

Thánh Gioan là người loan báo Chúa Kitô: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Mt 3:3) Nhưng còn hơn thế nữa. Thánh Gioan Tẩy Giả đã đưa ra mẫu mực về sự thánh thiện anh hùng, công khai lên án thói đạo đức giả và vô đạo đức, kêu gọi mọi người ăn năn. Ngài thách thức lòng tham và chủ nghĩa vật chất vào thời đó, theo đuổi một cuộc sống nghèo khó, giản dị và vị tha đã truyền cảm hứng không chỉ cho những người cùng thời mà còn cả những người tiên phong của đời sống tu trì Kitô giáo về sau.

Bất cứ đến nơi nào Gioan đều được đám đông và tín đồ vây quanh, một số người nghĩ rằng Gioan là Đấng Mêsia. Tuy nhiên, Gioan không lợi dụng những người này. Đúng hơn, ngài nói với họ một cách rõ ràng rằng ngài không phải là người mà họ nghĩ, và họ phải trải qua một sự hoán cải tâm hồn để chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai. (x. Ga 1:19-27)

Khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ, Gioan sai các môn đệ đến với Chúa Giêsu rồi lùi dần về phía sau, khiêm nhường chấp nhận vai trò nhỏ bé của mình: “Ngài [Đức Kitô] phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại.” (Ga 3:30) Thánh Gioan quên mình và sống cho Chúa Giêsu.

Thông điệp của Thánh Gioan gửi đến mọi người cách đây nhiều năm rằng Chúa sắp đến, vì vậy chúng ta phải chuẩn bị. Giáo Hội lặp lại sứ điệp đó dịp lễ trọng Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả.

D.D. EMMONS

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ SimplyCatholic.com)

Bài này đã được đăng trong Chia sẻ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.