Từ Ác Cảm Đến Hiến Thân

…Sinh trưởng trong gia đình hoàng tộc, tôn sùng đạo Phật, Bửu Dưỡng viết trong “cuộc hành trình của đời tôi”…

LINH MỤC THIÊN PHONG BỬU DƯỠNG (1907-1987)

CON CHÁU HOÀNG TỘC

Cậu ấm Bửu Dưỡng thuộc dòng dõi hoàng gia triều Nguyễn, là cháu trực hệ đời thứ năm của vua Minh Mạng. Thân phụ là cụ Ưng Trình, đại thần Cơ mật viện và đại thần Tôn nhơn phủ (1936), Thượng thư. Thân mẫu là Trân Thị Như Uyển cũng thuộc dòng dõi quan lại cấp Thượng thư.

Bữu Dưỡng là con trai thứ năm, sinh ngày 19 tháng 3 năm 1907.

Thiếu thời, cậu học Quốc học Huế rồi ra Hà Nội vào trường Cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp, trở về Huế làm thông phán sử Bưu chính, cho đến lúc “duyên Trời” ấn định.

ÁC CẢM VỚI ĐẠO CÔNG GIÁO

Sinh trưởng trong gia đình hoàng tộc, tôn sùng đạo Phật, Bửu Dưỡng viết trong “cuộc hành trình của đời tôi”. “Tôi rất ghét Kitô giáo, và tôi không muốn có một liên hệ nào dù xa, dù gần với các linh mục hay người có đạo. Tôi không bao giờ đọc một sách báo nào dính dáng đến đạo Công giáo (…), mỗi khi nhìn thấy chữ “Thiên Chúa”, tôi thấy khó chịu và nếu có thể, tôi sửa thành chữ “Trời”. Trong lớp học dạy các trẻ em, tôi chống lại việc dùng chữ Thiên Chúa”.

“Có những thời gian tôi cảm thấy bất an trong đời sống, dường như tôi đang trải qua những cơn khủng hoảng của đời sống, cái tâm trạng này kéo dài trong suốt ba năm liền… Những lần tôi không giải trí với các bạn trong giờ giải trí, những đêm dài mất ngủ, những buổi chiều trống rỗng sau khi nghe vài bản nhạc buồn… tất cả những tâm trạng ấy đưa tôi đến việc tự hỏi: “Có phải Kitô giáo là một tôn giáo thật và tôi phải theo hay không? Tôi phải theo? Thật là một điều ngoài trí tưởng tượng! Không bao giờ! Dù nó đúng, nó thật, nó hay…nhưng “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Nhưng dần dần thanh niên Bửu Dưỡng nhận thấy mình bất công đối với Kitô giáo, và phải chăng Phật giáo có gốc Ấn Độ, và Khổng Tử là người Trung Hoa, còn Đức Giêsu đâu phải là gốc Âu châu mà là gốc Do Thái. Vậy là ác cảm của “Mệ Bửu Dưỡng”, chẳng qua là một thành kiến của người công tử hoàng gia, của một nước bị Pháp đô hộ mà các nhà truyền giáo thời đó phần đông là người Pháp, còn rất xa lạ với phong tục và văn hóa Việt Nam…

NGƯỜI BẠN QUÝ

Trong bản tự thuật “Cuộc hành trình của đời tôi”, Bửu Dưỡng nhắc nhiều đến một người bạn thân tên S. trọ tại nhà mình, vào năm cuối cùng bậc trung học, cùng học một lớp nhưng khác trường. Bửu Dưỡng là học sinh trường Quốc học, còn anh S. thì học trường Pellerin của các thầy dòng La San, hiểu biết về đạo Công giáo nhưng không phải là tín hữu Công giáo: “Chúng tôi nói chuyện với nhau rất hợp, qua các đề tài học hành và giải trí nhưng khi vô tình đề cập đến vấn đề đức tin, chúng tôi không tránh được việc cãi cọ. Nói là cãi cọ không đúng lắm, thường tôi hay đáp trả bằng những lời lẽ khá nặng nề… Một buổi tối, chúng tôi như những thanh thiếu niên nói chuyện trong lúc nhàn rỗi… Rồi chẳng biết từ đâu, vấn đề tôn giáo xen vào, bắt nguồn từ những người xem tử vi và bói toán mà chúng tôi đã tìm gặp để xem về kết quả kỳ thi cuối năm”.

Tôi mở đầu: “Mặc dù nhà Phật được quảng bá sâu rộng nhưng đức Phật không phải là Đấng Sáng Tạo. Chúng ta tin rằng Trời đã dựng nên và nuôi dưỡng chúng ta, nhưng chúng ta lại không thờ Trời. Chúng ta chỉ dâng lễ vật lên bàn thờ Phật và rồi sống theo ý riêng mình, chúng ta cũng thờ kính Khổng tử và tin tưởng vào tử vi và bói toán. Con người thật lạ lùng”. Anh S. phản ứng ngay: “Người Kitô hữu không giống vậy, họ tin Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng và là Đấng Sáng Tạo, họ không tin và thờ Thiên Chúa một cách vô lý như chúng ta. Giống như người Do Thái nhưng người Do Thái vì giải thích Cựu ước theo ý riêng của họ, nên vẫn đang mong đợi đấng Cứu Thế. Trong khi người Kitô hữu tin Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế đã đến. Thật ra, nhiều thế kỷ trước khi Chúa Giêsu giáng sinh, các tiên tri trong thời Cựu ước đã loan báo về thời gian và nơi chốn Ngài sẽ được sinh ra. Họ còn nói chi tiết hơn, cả về đời sống khó nghèo, sự đau khổ và cái chết bi thảm của Ngài. Người Do Thái tin những lời tiên tri nầy nhưng từ chối không tin vào con người Giêsu”. Những lời lẽ này khiến tôi suy nghĩ nhiều.

Ngoài anh S., Bửu Dưỡng còn được biết về Kitô giáo qua một số bạn khác đã vô tình gợi lên nơi anh ước muốn tìm hiểu Đức Kitô, qua những cuộc tiếp cận đây đó hoặc báo chí. Nhân một ngày đẹp trời, sau khi đậu Trung học, cậu thư sinh Bửu Dưỡng thích thú đến một tiệm sách mua 2 cuốn Le génie du Christianisme (tạm dịch là Ưu tính của Kitô giáo) của Chateaubriand và Pensées (Tư tưởng) của Pascal. Anh thư sinh mua không phải vì nội dung tư tưởng, mà vì thích cách viết văn của hai tác giả nổi tiếng trong làng văn học Pháp. Mua rồi quên lãng, cho đến một hôm khi chuẩn bị hành trang ra Hà Nội học cao đẳng, Bửu Dưỡng mới mở ra đọc cuốn Pensées của Pascal: “Tôi chú ý vì đoạn văn có nhiều ý nghĩa. Đồng thời, cùng lúc ấy, có một sức mạnh lạ thường nào đó chen vào tâm hồn tôi, thế là tôi quyết định đem hai cuốn sách đó đi theo”.

Lời trên nhấn mạnh một bước tiến mới quan trọng trên hành trình tìm hiểu Kittô giáo của thanh niên Bửu Dưỡng… Đọc những trang sách Pensées của Pascal, không thể nào mà Bửu Dưỡng không khám phá ra chiều kích siêu việt và linh diệu của Kitô giáo. Tác phẩm nổi tiếng này là một tổng thể đồ sộ, gồm những chủ đề cốt tủy, siêu linh, sâu sắc về tầm vóc vô biên của con người, về Thiên Chúa nhập thể, về bác ái và mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm Tình yêu, về Chân lý của Trái tim (với lời bất hủ của Pascal: “Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết đến” v.v…) Hẵn là qua những trang sách này, tâm hồn Bửu Dưỡng đã cảm nghiệm được một “sức mạnh lạ thường” thúc đẩy thư sinh Bửu Dưỡng tiến xa hơn trên con đường tìm hiểu Kitô giáo…

“Càng ngày tôi càng tin tưởng hơn vào chân lý nơi Giáo hội Công giáo, nhưng tôi không nghĩ đến việc sẽ rửa tội. Mỗi lần ý nghĩ rửa tội xuất hiện là tôi vội xua đuổi nó ngay. Mỗi lần tôi nhìn những người Công giáo Việt Nam, tôi có cảm tưởng họ đang theo một tôn giáo ngoại bang, nó xa lạ khác thường với phong tục tập quán dân tộc nhiều quá, nó có vẻ “Tây” quá”.

Nhưng ơn Chúa đã giúp Bửu Dưỡng vượt qua những trở ngại bên ngoài đó, để chạm đến cơ tủy Tình yêu Thiên Chúa qua một cuộc gặp gỡ bất ngờ, đặc biệt là qua chứng từ của một nhà sư Phật giáo.

MỘT CUỘC ĐỜI MỚI

“Một ngày nọ, khi đến thăm ông nội tôi, tôi gặp một tu sĩ Phật giáo đang ở nhà ông tôi, vị tu sĩ không ngớt lời ca ngợi những thầy tu dòng khổ hạnh truyền giáo Xitô (Cistercians) tại một ngôi nhà mới lập ở núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Trị. Sự tìm hiểu của tôi về đời sống của họ đưa tôi đến sự khâm phục và cuối cùng dẫn tôi đến quyết định gia nhập Giáo hội Công giáo” (Cuộc hành trình của đời tôi).

Thượng tuần tháng 5, 1928, Bửu Dưỡng lên đường ra Quảng Trị, tìm lên vùng núi Phước Sơn, xin học giáo lý để nhận bí tích Rửa Tội và…gia nhập dòng Xitô. Linh mục bề trên Henri Denis (cố Thuận) trực tiếp dạy giáo lý. Lễ Rửa Tội được cử hành vào ngày lễ Đức Mẹ lên Trời, 15 tháng 8 năm 1928. Tân tòng Bửu Dưỡng nhận thánh danh là Bonifacius có nghĩa là “Bộ mặt đẹp”. Bề trên Dòng chủ lễ, bên cạnh là thầy phó tế Tađêô Lê Hữu Từ. Quan khách dự lễ rất đông, vì hôm đó cũng là ngày kỷ niệm 10 năm Dòng Xitô được thành lập ở Phước Sơn. Trong các vị quan khách, có sự hiện diện của Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài.

Sau lễ Rửa Tội, linh Mục Bề trên Dòng cử hành nghi thức thỉnh sinh để tân tòng Bonifacius nhập dòng Xitô với tên Théophane mà chính Bửu Dưỡng dịch là Thiên Phong. Đây là tên Thánh của một linh mục truyền giáo người Pháp Théophane Vénard bị xử trảm ngày 02.02.1861 thời vua Minh Mạng. Bửu Dưỡng rất mộ mến vị thừa sai trẻ tuổi dũng cảm chịu tử hình vì trung thành với Thiên Chúa.

Sau một năm ở tập viện Xitô Phước Sơn, tu sinh Bửu Dưỡng vì sức khỏe suy yếu, đau bao tử, bị chứng tê thấp, lại bị mụn nhọt ở chân, được Bề trên cho về nhà nghỉ dưỡng bệnh. Thời gian dưỡng bệnh ở Huế tại gia đình, thầy Bửu Dưỡng có nhiều quan hệ với dòng Chúa Cứu Thế, với ý muốn nhập dòng này nhưng không thành… Trong khi dịch dùm cho các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế một số bài giảng, thầy được đọc sách của Thánh Tôma Aquinô, thầy say mê triết lý và thần học của vị tiến sĩ nổi tiếng thuộc dòng Đa Minh, và có ý muốn theo chân ngài trong một dòng tu chuyên nghiên cứu và thuyết giảng đạo lý Kitô giáo. Linh Mục bề trên Dòng Chúa Cứu Thế giới thiệu thầy với Dòng Đa Minh mới đến Hà Nội lập dòng. Bề trên Đa Minh chấp nhận để thầy thử một thời gian. Mọi sự đều xuôi thuận. Bửu Dưỡng cảm thấy mình đi đúng hướng và được gửi đi du học tại Pháp vào Dòng Đa Minh chi nhánh Lyon.

Sau một năm Tập viện, ngày 26 tháng 11 năm 1936, tu sinh Bửu Dưỡng là người Việt Nam đầu tiên của tỉnh Dòng Đa Minh Lyon được tuyên khấn dòng. Mặc dầu mụn nhọt ở chân trở nên trầm trọng, thầy Bửu Dưỡng phải chịu giải phẫu cưa một chân, gắn chân giả, Bề trên Dòng vẫn nhận phong chức linh mục cho thầy vì khả năng trí tuệ đặc biệt của thầy.

Lễ phong chức được cử hành ngày 2 tháng 2 năm 1940. Từ nay linh mục con dòng cháu giống của vua chúa triều Nguyễn không còn gì trăn trở băn khoăn, mà thẳng đường trực chỉ dấn thân rao giảng Tin mừng cứu độ của Đức Giêsu Kitô cho đến trọn đời.

Tại Pháp, một hành động đã gây nhiều cảm xúc: để vừa tạ ơn vừa tạ tội với vị tử đạo kiệt xuất Théophane Vénard, thánh quan thầy của mình, tân linh mục Bửu Dưỡng đã tìm về cái nôi sinh trưởng của Ngài ở Saint Loup sur Thouet nước Pháp, dâng Thánh lễ tạ ơn đất quê hương đã sinh ra thánh nhân và ngỏ lời xin lỗi cộng đoàn Công giáo nơi đây vì vua nước Việt Nam đã hành quyết một vị Thánh trẻ tuổi hiến thân cho Thiên Chúa đến giọt máu cuối cùng.

Linh mục Thiên Phong Bửu Dưỡng tiếp tục học thần học ở Pháp, năm 1945 lấy bằng tiến sĩ thần học. Năm 1947, linh mục hồi hương về Việt Nam nhậm chức Bề trên tu viện Đa Minh Hà Nội tháng 2-1951.

HỘI CẤP TẾ NẠN NHÂN CHIẾN TRANH

Đã từng mục kích những đau thương do chiến tranh thế giới thứ hai gây ra ở Âu châu, linh mục Bửu dưỡng về Việt Nam giữa chiến tranh khói lửa ác liệt. Giáo dân người Nùng, Thái, Tày, Mường từ giáo phận Lạng Sơn chạy về Hà Nội tị nạn khá đông.

Linh mục Bửu Dưỡng tập họp những người thiện chí Công giáo cùng các tôn giáo bạn, thành lập “Hội cấp tế nạn nhân chiến tranh”. Ra đời ngày 25.09.1949, Hội hoàn toàn đứng ngoài mọi hoạt động chính trị và quân sự, chỉ nhắm mục tiêu hỗ trợ cấp tốc nạn nhân chiến tranh. Thăm viếng tù nhân ở các trại giam, can thiệp trả tự do và trợ cấp những gì cần thiết cho họ: giúp nhắn tin, chuyển thư từ, chuyển đồ tiếp tế của thân nhân gửi, thăm viếng, cấp thuốc cho bệnh nhân nghèo, lập khu tạm trú cho đồng bào tản cư, lập nhà cho cô nhi quả phụ… Một chương trình cứu nạn đa dạng, hoạt động hiệu quả lớn…

Những hoạt động của Hội vang dội ra nước ngoài. Hội đồng thập tự quốc tế sang Hà Nội thăm viếng. Đức Giáo Hoàng Piô XII mấy lần giửi tiền giúp Hội. Năm 1951, Linh mục Bửu Dưỡng sang Rôma, được Giáo Hoàng tiếp kiến và lắng nghe các hoạt động của hội…

GIÁO XỨ DU SINH

Sau hiệp định Genève, Linh mục Bửu Dưỡng dẫn 3 thầy trợ sĩ và 3 sinh viên thỉnh tu vào Nam, tạm trú tại đường Pasteur, Đà Lạt. Ngài lập một trại nhập cư mang tên Du Sinh trên một vùng đồi diện tích rộng, gần thác Cam Ly, quy tụ những gia đình di cư ngày càng đông, 1000 người năm 1955 và 2500 người 1963. Linh mục Bửu Dưỡng giúp họ ổn định cuộc sống rồi khởi công xây cất nhà thờ, khánh thành vào lễ Giáng sinh 1957. Cha có nhiều sáng kiến trong việc thiết kế tháp chuông và tường thành với những hoa văn theo kiến trúc Á Đông. Tên “Du Sinh” cũng do chính Ngài vừa phiên âm việt hóa tên thánh Giuse vừa diễn tả nguồn gốc “du hành” của những giáo hữu di tản từ Bắc vào Nam.

Không chỉ có nhà thờ, Cha Bửu Dưỡng còn mở trường tư thục Mai Khôi, một trường tư thục dạy nữ công gia chánh, một nhà nuôi trẻ mồ côi, xây bệnh xá, đặt hệ thống dẫn nước. Tiếc thay, những công trình giáo dục, xã hội trên không còn tồn tại. Vừa đảm trách giáo xứ, cha vừa nhận dạy học tại Đại học Đà Lạt, Sàigòn, Huế.

Ngày 27.08.1959, linh mục Bửu Dưỡng đi Rôma yết kiến Đức Giáo Hoàng. Qua Paris nghiên cứu các phương pháp giáo dục của Pháp, rồi đi Mỹ tìm hiểu các dự án định cư người tị nạn chiến tranh, phát triển canh nông, các cơ sở văn hóa xã hội để về quê hương xây dựng trại định cư mẫu mực hơn. Quả, ngài là một mục tử vừa trí tuệ, vừa tận tụy lo lắng cho đoàn chiên cùng ngài “du hành” từ đất Bắc tới vùng cao nguyên Đà Lạt.

Năm 1964, ngài được chuyển về xứ đạo An Hòa (Đức Trọng,) thay cho linh mục Henri Nerdeux đổi về Cần Thơ. Linh mục Bửu Dưỡng vừa là chính xứ An Hòa, vừa dạy triết ở trường trung học Adran của các sư huynh Lasan Đà Lạt. Đến năm 1969, ngài nhận phụ trách xứ Tùng Nghĩa cũng là một xứ đạo nhập cư, quy tụ các giáo dân người Thái, Nùng, Mán…Tại đây, ngài hoàn chỉnh công trình của linh mục tiền nhiệm, và triển khai một kiến trúc mới, gồm có tháp chuông, thành tường kiên cố, mua thêm đất nới rộng khuôn viên nhà thờ.

Năm 1970, chuyển về Sàigòn, Cha Bửu Dưỡng hợp tác với hội Minh Trí thành lập Đại học Minh Đức, với 5 phân khoa: Triết lý, y tế, kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, kỹ thuật canh nông. Không có môn học nào mà ngài không quan tâm đến.

Năm 1974, linh mục chịu đại tang cụ thân sinh Ưng Trình tạ thế. Mặc dầu là linh mục, trong tang lễ, ngài vận khăn tang và mặc áo tang như mọi thành viên trong gia đình, với tinh thần tôn trọng nghi lễ phụng tự của truyền thống dân tộc.

LÁ RỤNG VỀ CỘI: NƯỚC TRỜI VĨNH CỬU

Sau năm 1975, linh mục Bửu Dưỡng sống với cộng đoàn học viện Đa Minh ở Thủ Đức. Sức khỏe yếu dần, chân đi lại rất khó khăn, nên đến nghỉ tại “Gia đình Na gia” rồi chuyển đến một ngôi nhà giữa cánh đồng thoáng mát gần Bình Triệu. Mặc dầu yếu mệt, Ngài không ngừng tiếp khách, bàn luận, giảng giải với nhiều người đến thăm. Ngày 1 tháng 1 năm 1987, sau khi tiếp chuyện hơn một giờ với một linh mục, trao đổi về vấn đề Giáo Hội, ngài trở về phòng và chết gục trên bàn giấy. Ngài quả là vị linh mục trung kiên, bàn luận và diễn giảng cho đến hơi thở cuối cùng. Ngài hưởng thọ 80 tuổi.

Thánh lễ an táng được cử hành trọng thể tại nhà thờ Đức Mẹ Fatima Bình Triệu. Với sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, cha Lập chánh xứ Bình triệu, Cha Ánh giám tỉnh Dòng Đa Minh là linh mục chủ tang, cha Lịch giảng, với sự hiện diện của Đức Cha Lãng địa phận Xuân Lộc cùng với 80 linh mục, xung quanh là rất nhiều cựu môn sinh, sinh viên, bạn bè thân hữu… Ngài được an nghỉ giữa anh em Đa Minh của ngài tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa có khoảnh đất dành cho Dòng Đa Minh.

Ngoài công trình đa dạng của cố Linh Mục về mục vụ, nghệ thuật kiến trúc, nhất là về mặt giáo dục và giảng dạy, ngài còn để lại một di sản thiêng liêng và văn hóa, khá dồi dào, gồm nhiều tác phẩm:

· Chúa Cứu thế: “Ngài là ai?”

· Ngài muốn gì?

· Ngài ở đâu?

· Triết học quan: các triết lý Đông, Tây, Kim, Cổ, gồm 3 cuốn:

   – Quan niệm triết học (Triết học nhập môn).
   – Quan niệm người đời (siêu hình, tâm lý, luân lý).
   – Quan niệm đời người (đạo đức, xã hội, chính trị).

· Vấn đề đau khổ (đối chiếu các tư tưởng tôn giáo triết học,văn nghệ và khoa học).

· Tứ thư giải luận (phiên âm, dịch nghĩa, giải thích và bình luận Tứ thư: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử.

· Tùng thiện vương (tiểu sử và thi văn),viết chung với thân phụ Ưng Trình.

· Sưu tập, giải thích ca dao tục ngữ Việt Nam sắp theo thứ tự A,B,C. Sưu tập này được thực hiện vào những năm cuối đời, sắp xếp đến vần C được 86.286 câu thì đứt đoạn…

Có thể xác định rằng linh mục Bửu Dưỡng là một học giả hàn lâm của văn hóa Việt-Nho và của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đi từ ác cảm đến hiến thân trọn vẹn cho Chân lý Tin Mừng của Đức Giêsu con Thiên Chúa nhập thể.

Theo lời xác nhận của linh mục Hoàng Đắc Ánh, cựu Bề trên Dòng Đa Minh nhánh Lyon ở Việt Nam, thì linh mục Bửu Dưỡng đã sống trọn vẹn đến tận cùng đặc sủng của Dòng Đa Minh thuyết giáo, đã say mê chiêm niệm, nghiên cứu, chắp bút và giảng dạy để loan báo Tin Mừng trọn đời, không ngơi nghỉ.

KẾT

Phải chăng linh mục Bửu Dưỡng là một tổng hợp Đức tin và Triết lý nhân bản, Văn hóa Đông và Tây, Triết lý nhân sinh và Thần học siêu linh, khoa học và nghệ thuật, lý thuyết và thực hành… Suốt đời, linh mục luôn hướng về thế giới siêu linh của Tin Mừng cứu độ phổ quát cho tất cả nhân loại, mà không hề mất gốc Đông Phương và Việt Nam mang dòng máu con Hồng cháu Lạc.

Ngài vừa là một “Du sinh” miệt mài rảo bước xây dựng Nước Trời ở trần thế, vừa là “Thiên Phong”, ngọn gió bay cao hướng về Nước Trời vĩnh cửu.

Các lời tự thuật của Linh mục Bửu Dưỡng trong bài này được trích từ: “Cuộc hành trình của đời tôi”, tài liệu do R.V.A cung cấp.

Lê Ngọc Bích – Nữ tu Mai Thành

Bài này đã được đăng trong Chia sẻ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.