Lại Tái Diễn Việc Dùng Chất Cấm Nuôi Heo Siêu Nạc

blankSAIGON — Việc sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta – agonist trong chăn nuôi đang tái diễn, không chỉ ở các nông hộ nhỏ, lẻ mà cả ở các trang trại lớn, theo Người Lao Động TP.

Trong Hội nghị triển khai kế hoạch kiểm tra trọng điểm chất lượng thức ăn chăn nuôi năm 2014 tổ chức tại Sài Gòn vừa qua, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết việc quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi ở các công ty lớn không khó, khó là quản lý thức ăn chăn nuôi ở các trang trại, nông hộ để bảo đảm sản phẩm lưu thông trên thị trường không có chất cấm. Trong 7 tháng đầu năm 2014, ngành thú y tỉnh Đồng Nai đã tập trung kiểm tra các nông hộ nhỏ lẻ cùng 2 đợt kiểm tra riêng vào các trại nuôi theo quy mô công nghiệp. Đợt 1, Chi cục chọn ngẫu nhiên 20 trang trại, lấy mẫu heo từ 70 kg trở lên, phát hiện 2 trại có chất cấm với lượng tồn dư rất lớn. Đợt 2 kiểm tra cũng phát hiện 4 trang trại có sử dụng chất cấm.

blankNgười tiêu dùng rất khó phân biệt thịt heo có tồn dư beta – agonist cùng kháng sinh hay không.

Tại TP. Sài Gòn, kết quả giám sát các tháng đầu năm tuy chưa phát hiện chất cấm nhưng trong 30 mẫu thịt heo được lấy ngẫu nhiên, cơ quan chức năng đã phát hiện đến 13 mẫu (43%) có tồn dư kháng sinh Sulfadimidin vượt giới hạn cho phép.

Theo các nhà chuyên môn, beta – agonist là nhóm chất gồm clenbuterol, salbutamol và ractopamine, được người chăn nuôi dùng để nuôi heo siêu nạc với thời gian ngắn. Đối với người tiêu dùng, sử dụng thịt tồn dư beta – agonist về lâu dài có thể gây các tổn hại lên hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp và bị ung thư, thậm chí có thể gây tử vong cho người có bệnh về tim mạch, huyết áp.

Người Lao Động TP nêu ý kiến của GS Chu Phạm Ngọc Sơn, đại diện Công ty CP Dịch vụ khoa học công nghệ Sắc Ký Hải Đăng, đề nghị cơ quan chức năng cần quản lý chặt và thường xuyên, không nên làm kiểu chiến dịch vì lợi nhuận của việc sử dụng chất cấm là rất lớn. GS Sơn cho biết qua thử nghiệm bỏ một lượng rất nhỏ nhóm chất beta – agonist vào thức ăn nuôi heo, kết quả là chỉ sau 18 tuần, 1 con heo từ 10 kg đã nặng hơn 100 kg.

Tại Thái Lan, nếu vi phạm lần 2 có thể bị phạt tù 1-3 năm nên trong 5 năm, nước này đã giải quyết được “ nạn” beta – agonist. Trong khi đó, Việt Nam phát hiện việc nuôi heo bằng chất này từ năm 2006 nhưng đến nay chưa xử lý xong.

Bài này đã được đăng trong Việt Nam. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.